Thần Lương Hằng Ngày

PVLC Tuần XXVII Thường Niên Năm A

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Bài Phúc Âm tuần trước, Tuần XXVI Thường Niên Năm A, Chúa Giêsu ám chỉ thành phần "các trưởng tế và kỳ lão",

thành phần lãnh đạo Do Thái giáo, là người con thưa "vâng" nhưng thực tế lại không bao giờ hiện thực lời nói này của mình.

Và đó là lý do, ĐTC Phanxicô, trong bài Huấn từ Truyền Tin trưa Chúa Nhật tuần trước, đã nhận định về thành phần "bại hoại" này như sau:

"Một người hành xử như vậy nằm ở chỗ anh không chỉ là một tội nhân mà còn là một kẻ bại hoại

bởi vì anh nói dối mà không gặp vấn đề gì để che đậy và ngụy trang cho sự bất tuân của mình, 

không chấp nhận bất kỳ cuộc đối thoại hay đối đầu chân thành nào....    

Đối với tội nhân luôn có hy vọng được cứu; trong khi đối với kẻ bại hoại thì việc đó khó khăn hơn nhiều

Thật vậy, tiếng 'đồng ý' giả tạo của anh, vẻ bề ngoài tao nhã nhưng đạo đức giả 

và sự giả vờ đã trở thành thói quen của anh giống như một 'bức tường cao su' dày, 

nằm phía sau để che đậy khỏi tiếng chất vấn của lương tâm. Kẻ bại hoại thì làm nhiều điều xấu!

Và kết quả của các điều xấu mà thành phần tội nhân bại hoại này làm, một khi lên đến tột đỉnh của nó, đó là chuyện "khủng bố chiếm đoạt" gia tài của đứa con thừa tự,

như Chúa Giêsu đã cho chính thành phần "các trưởng tế và kỳ lão" của bài Phúc Âm tuần trước biết trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm A.

Để tránh được thái độ "khủng bố chiếm đoạt" này, cần phải có một tâm trí bình an trong Chúa, như Thánh Phaolô khuyên nhủ ở trong Bài Đọc II CN XXVII Năm A.

Theo chiều hướng của PVLC Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm A đầu tuần, chúng ta cùng nhau cử hành PVLC của những ngày trong tuần ở những đường links sau đây:

 


Suy nghiệm Lời Chúa 

Thiên Chúa dại mà khôn - con người khôn mà dại 

Nếu đọc bài Phúc Âm của Chúa Nhật XXV và XXVI Thường Niên Năm A chúng ta còn thấy Thiên Chúa còn có lý hay chí lý, ở chỗ trả công cho thợ thuê làm vườn nho chẳng những theo công bằng mà còn theo lòng quảng đại của mình, và ở chỗ những ai tội lỗi ăn năn trở lại đáng được thương xót hơn những kẻ tự cho mình là công chính, thì đọc bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm A hôm nay chúng ta thấy ông chủ vườn nho, (vẫn cứ vườn nho ở cả 3 bài Phúc Âm cho 3 Chúa Nhật liền: XXV, XXVI và XXVII, rồi cũng cùng một thành phần được Chúa Giêsu nói với là "các trưởng tế và các kỳ lão trong dân"), hình như "bất thường" làm sao rồi ấy.   

Đúng thế, theo tự nhiên, ai trong chúng ta biết là nguy hiểm mà còn dám xông vào làm, nhào vào chỗ chết hay chăng, nếu không phải là liều lĩnh, mà nếu đã biết chắc rằng thế nào cũng thất bại và bị hại mà còn cứ nhất định liều mạng cho đến cùng thì thật là khùng điên chứ không phải là khờ khạo dại dột nữa. Không phải hay sao trong trường hợp của "ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho". Ở chỗ nào?   

Ở chỗ, ông đã "sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi", và sau hai phái đoàn đầy tớ của ông (ám chỉ các vị tiên tri trong Cựu Ước) được ông sai đến đều bị "những người làm vườn nho bắt: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác", ông lại càng như điên lên, bất chấp nguy hiểm, bất chấp của quí nhất của mình là chính đứa con duy nhất của mình, (ám chỉ Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô), cứ sai đến cho bọn làm vườn nho hung dữ này (ám chỉ thành phần "các trưởng tế và các kỳ lão trong dân" thuộc Hội Đồng Đầu Mục Do Thái) ăn tươi nuốt sống, chẳng khác gì như "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài, một đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32).   

Tuy nhiên, ở đây và chính ở đây chúng ta mới thấy được Lòng Thương Xót Chúa là gì và ra sao! Lòng Thương Xót Chúa ở chỗ Ngài đã bất chấp tất cả sự dữ để có thể biến sự dữ thành sự lành, ở chỗ, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: "Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!" Nghĩa là chính bọn thợ làm vườn nho hung ác này đã không ngờ rơi vào bàn tay quan phòng thần linh của Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn không hề đụng đến tự do của họ, không hề ngăn cản tự do của họ, hoàn toàn để họ có cơ hội để thực hiện ý nghĩ khôn ngoan nhất của họ: "Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó".   

Thế mà Đấng làm chủ lịch sử loài người như Ngài vẫn thực hiện được dự án thần linh cứu độ vô cùng khôn ngoan và toàn thiện của Ngài nơi Con của Ngài là Lời Nhập Thể, Đấng đã chẳng những hoàn tất sứ vụ Thiên Sai của Người đối với dân Do Thái theo huyết nhục trần gian của Người, mà còn, đối với toàn thể loài người tội lỗi, hiện thực vai trò Cứu Thế của Người theo nhân tính Người mặc lấy, đúng như lời Ngài đã tự hứa với hai nguyên tổ ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15).   

Thật vậy, nếu "vườn nho của Chúa là nhà Israel", đúng như câu họa của bài Đáp Ca hôm nay, thì quả thật Thiên Chúa đã quá ư là chăm sóc cho dân Do Thái được Ngài nhưng không tuyển chọn qua Tổ Phụ Abraham của họ. Đến độ, như Ngài đã đặt vấn đề trong Bài Đọc một hôm nay qua miệng của tiên tri Isaia rằng: "Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm?" Nào là "rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn", để làm gì, nếu không phải để "trông mong nó sinh quả nho", "nhưng nó lại sinh toàn nho dại", đó là những tội ngoại tình (bỏ vị Thiên Chúa chân thật của mình mà đi) tôn thờ các ngẫu tượng do họ tạo ra (điển hình là bò vàng trong sa mạc) và tà thần của dân ngoại (như thời Vua Solomon chiều theo 700 thê và 300 thiếp của vua).  

Chính trong tình trạng phải hứng chịu hậu quả do chính mình gây ra như thế, đến độ họ dám trêu ngươi chọc giận Thiên Chúa khiến Ngài phải ra tay, như Ngài đã phán trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó", để nhờ đó giúp cho họ nghĩ lại mà trở về với Ngài, như tâm tình của chính Thánh Vịnh 79 ở Bài Đáp Ca hôm nay:  

1) Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang.

2) Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân?

3) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

4) Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.   

Theo Bài Phúc Âm hôm nay Thiên Chúa là chủ vườn nho "rào dậu chung quanh (ám chỉ các lề luật của Ngài), đào hầm ép rượu (ám chỉ thử thách đức tin Ngài gửi đến) và xây tháp canh (ám chỉ Đền Thờ là nơi Chúa ngự giữa dân Ngài), đoạn ông cho tá điền thuê (ám chỉ thành phần lãnh đạo dân Chúa nói chung), rồi đi phương xa (ám chỉ tin tưởng vào thành phần tá điền được Ngài chọn lựa và ủy thác cho nhiệm vụ canh tác vườn nho dân Ngài)".   

Thế nhưng, lòng tin tưởng của chủ vườn nho vào đám tá điền là thành phần "các trưởng tế và các kỳ lão" được Chúa Giêsu đang nói tới và nhắm tới đây đã bị phản bội bởi thái độ lộng hành phản loạn theo lòng tham lam của họ: "Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó" mà họ đã "bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết". Đúng như những gì đã xẩy ra với chính bản thân Con Thiên Chúa làm người sau này, khi Người bị thuộc hạ của Hội Đồng Đầu Mục Do Thái sai đến bắt Người từ Vườn Cây Dầu để giải ra khỏi khu vườn này đến cho các vị, để bị các vị lên án tử cho Người và dùng tay dân ngoại Roma để đóng đanh Người vào thập tự giá trên Đồi Canvê:    

Hành động tìm bắt và sát hại Người Con duy nhất của ông chủ vườn nho là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ chỉ vì lòng tham của họ muốn "chiếm lấy gia tài của đứa con thừa tự", ở chỗ Hội Đồng Đầu Mục Do Thái bấy giờ, qua thượng tế Caipha, đã nhân danh Thiên Chúa để khủng bố Con của Ngài: "Nhân danh Thiên Chúa Ta truyền cho ngươi phải nói ngươi có phảinói cho chúng ta biết: ngươi có phải là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa không?" (Mathêu 26:63).  

Quả đã hoàn toàn ứng nghiệm đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước cho họ là "Tôi ra đi, quí vị sẽ tìm Tôi nhưng quí vị sẽ chết trong tội lỗi của quí vị. Nơi Tôi đi quí vị không thể nào đến được (Chúa có ý nói họ sẽ không thể nào hiểu được, không thể nào chấp nhận Đấng Thiên Sai cứu được người khác mà không thể tự cứu lấy bản thân mình). Quí vị sẽ chết trong tội lỗi của mình nếu quí vị không tin vào Tôi" (Gioan 8:21,24).  

"Ðức Giêsu trả lời: 'Chính ngài nói đó. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến'.Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói:'Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Ðấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa,quý vị nghĩ sao?' Họ liền đáp: 'Hắn đáng chết!'" (Mathêu 26:64-66)  

Họ có ngờ đâu "chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc", ở chỗ, chính biến cố Người bị họ sát hại vì Thánh Danh Thiên Chúa, bởi họ cho rằng họ không giết một "Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), mà họ chỉ giết một con người thuần túy mà dám cả gan "phạm thượng": "Ngài chỉ là một con người lại cho mình ngang hàng với Thiên Chúa" (Gioan 10:33).   

Tất cả Lịch Sử Cứu Độ nơi Dân Do Thái nhờ đó đã đạt tới tột đỉnh nơi Chúa Kitô Vượt Qua vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) của Người, thời điểm Người thiết lập vương quốc yêu thương và sự sống của Người sau khi Người sống lại từ trong cõi chết để tiêu diệt tội lỗi và sự chết, một vương quốc mà Người đã tiên báo ở cuối bài Phúc Âm hôm nay là "Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái", đó là thành phần dân ngoại làm nên Giáo Hội được Người thiết lập và "ở cùng cho đến tận thế" (Mathêu 28:20), thành phần được Vị Tông Đồ Dân Ngoại trong Bài Đọc 2 hôm nay khuyên dạy giáo đoàn Philiphê sống xứng đáng với Nước Thiên Chúa đã được trao cho họ để trổ sinh hoa trái: "Hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy".